Nghiên cứu vai trò của điều kiện khí tượng thủy văn, mặt đệm và sử dụng nước trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai

Đề tài được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã đánh giá được vai trò của điều kiện khí ợng thủy văn, mặt đệm và sử dụng nước trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai trong sự hình thành tài nguyên nước dưới đất vùng hạ lưu; đồng thời, đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.

Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Đánh giá được vai trò của điều kiện khí tượng thủy văn, mặt đệm đến chế độ dòng chảy trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai

Lưu vực sông Đồng Nai là hệ thống sông lớn thứ 3 của Việt Nam, sau hệ thống sông Mê Kông và sông Hồng-Thái Bình. Tuy nhiên, do có diện tích lưu vực hầu như nằm trọn trong nước, nên hệ thống sông Đồng Nai được biết đến như là hệ thống sông nội địa lớn nhất nước ta, với diện tích gần 41.000 km2, và có một tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế -xã hội của một vùng kinh tế trọng điểm trên 13 triệu dân và đóng góp khoảng 50% tổng thu nhập quốc nội. Hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai chảy qua địa phận hành chính của 10 tỉnh/thành phố là Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hệ thống sông có vai trò rất quan trọng trong cấp nước phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội không những đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn đối với cả nước. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, các hoạt động liên quan đến phát triển tài nguyên nước diễn ra ngày càng mạnh mẽ do nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế/lĩnh vực/hộ dùng nước không ngừng tăng cao cả về chất và lượng.

TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nằm ở hạ lưu lưu vực sông Sài Gòn- Đồng Nai, là thành phố lớn nhất và là một trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị quan trọng ở phía Nam của đất nước. Kinh tế của TP HCM phát triển với tốc độ rất nhanh với một nền công nghiệp phát triển đa dạng, nhiều ngành nghề; nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, do đó nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho ăn uống sinh hoạt và sản xuất của thành phố là rất lớn và đang tăng lên rất nhanh, đe dạo ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên nước.

Nước dưới đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp pháp triển kinh tế xã hội của TP HCM. Việc khai thác nước dưới đất chưa được quy hoạch dựa trên các cơ sở khoa học tin cậy đã gây ra sự suy giảm mực nước trong các tầng chứa nước ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể so với 10 năm trước, mực nước dưới đất trong tầng chứa nước Pleistocene trên (qp3), giảm từ 0,07m đến 3,73m; trong tầng chứa nước Pleistocen giữa trên (qp2-3) giảm từ 0,81m đến 20,69m; trong tầng chứa nước Pleistocene dưới (qpi) giảm từ 0,95m đến 16,25m; trong tầng chứa nước Pliocene giữa (n22) giảm từ 2,42m đến 12,99m; trong tầng chứa nước Pliocene dưới giảm 3,4m đến 3,7m.

Do vậy bổ cập nước mưa và nước mặt cho NDĐ có vai trò quan trọng đối với tài nguyên NDĐ, đặc biệt đối những vùng mà lượng bổ cập đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trữ lượng NDĐ như ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Đánh giá vai trò bổ cập của nước mưa và nước mặt cho NDĐ rất cần thiết trong nhiều lĩnh vực: nghiên cứu địa chất thủy văn, điều tra, đánh giá tài nguyên NDĐ, quản lý và quy hoạch khai thác sử dụng hợp tài nguyên nước nói chung và NDĐ nói riêng theo hướng bền vững. Các yếu tố quyết định hình thành cấu trúc chứa nước bao gồm địa hình, cấu trúc địa chất.

Đề tài đã đánh giá được diễn biến tài nguyên nước vùng nghiên cứu; đánh giá được vai trò của điều kiện khí tượng thủy văn, mặt đệm đến chế độ dòng chảy trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Đồng thời, xây dựng được bản đồ bổ cập nước mưa cho nước dưới đất trên lưu vực Đồng Nai. Lượng bổ cập nước ngầm bình quân toàn lưu vực vào khoảng 336 mm/năm, trong đó chủ yếu tập trung vào các tháng mùa lũ (79% tổng lượng bổ cập nước ngầm). Nhánh sông Vàm Cỏ có lượng bổ cập thấp nhất (261 mm/năm) trong khi nhánh sông La Ngà có lượng bổ cập trung bình cao nhất (543 mm/năm). Trong các năm nước lớn, tổng lượng bổ cập trên các nhánh sông chính, sông Bé và sông La Ngà có thể lên đến 700 – 800 mm/năm. Biến động lượng bổ cập giữa các nhánh sông có thể rất khác nhau do sự không đồng bộ về chế độ dòng chảy giữa các nhánh sông. Khu vực TP Hồ Chí Minh có lượng bổ cập thấp với lượng bổ cập dao động dưới 150 mm/năm.

Đánh giá ảnh hưởng đến dòng chảy trong sông: Lưu lượng dòng chảy năm trên nhánh chính đến Tà Lài tăng 7%, nhánh sông La Ngà tại Tà Pao tăng 5%, nhánh sông Bé tại Phước Hòa tăng 11%. Thượng nguồn sông Sài Gòn tại Cần Đăng dòng chảy trung bình năm tăng 18%. Trong khi dòng chảy trung bình mùa lũ cho thấy có sự gia tăng ở tất cả các trạm từ 4-17% thì dòng chảy cạn lại có sự phân hóa. Trạm Thanh Bình trên sông Cẩm Ly thuộc nhánh chính sông Đồng Nai và các trạm Đại Nga, Tà Pao thuộc nhánh La Ngà cho thấy có sự giảm nhẹ trong khi các trạm còn lại dòng chảy cạn tăng từ 1-24%. Thời kỳ dòng chảy sụt giảm thường kéo dài từ giữa mùa cạn đến đầu mùa lũ. Mức giảm lớn nhất rơi vào các tháng IV và tháng V, từ 3- 17%.

Về xu thế thay đổi tài nguyên nước trên lưu vực có đặc điểm: Xu thế lượng mưa năm, mưa mùa mưa và mùa khô tại các trạm thay đổi không nhiều. Lưu lượng dòng chảy ở hạ lưu giảm trong mùa lũ và tăng trong mùa cạn, do đó có thể nhận thấy vai trò điều tiết của các hồ trên lưu vực có ảnh hưởng nhiều đến chế độ dòng chảy trên lưu vực.

Đề xuất giải pháp khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất

Dân số ngày càng gia tăng, nhu cầu nuớc phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt vì thế cũng tăng theo. Trữ luợng khai thác NDĐ không phải là vô tận, hơn nữa các nguồn hình thành trữ luợng nhu bổ cập từ mua, thấm qua đáy sông lại đóng góp một luợng nhỏ trong cán cân TLKT. Vì vậy cần có những giải pháp công trình và quản lý để có thể kiểm soát đuợc quá trình khai thác NDĐ một cách hợp lý, bền vững.

Một số giải pháp chung bao gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý khai thác NDĐ; Bảo vệ nguồn sinh thủy trên luu vực, đặc biệt là các luu vực tính đến trạm thủy văn Tà Lài và luu vực sông Bé, nơi tính toán có luợng bổ cập chiếm tỷ lệ lớn; Hạn chế dần khai thác hoặc bổ sung nhân tạo NDĐ cho thành phố là cần thiết; Tăng cường công tác điều tra cơ bản, công tác quy hoạch quản lý và nhận thức về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nuớc duới đất; Quản lý lưu lượng khai thác tại từng công trình, từng tầng chứa nước và từng khu vực cụ thể; Quản lý mực nước và mực nước hạ thấp tại từ công trình khai thác và từng tầng chứa nước; Quản lý phân bổ tài nguyên NDĐ tại địa bàn thành phố, theo các nhu cầu sử dụng (ưu tiên sinh hoạt và ăn uống), phối hợp các nguồn nước khác.

Bên cạnh đó, cần một số giải pháp cụ thể như cần tiếp tục giảm lượng khai thác nguồn nước dưới đất sao cho đến năm 2025 lượng nước khai thác xuống dưới 100.000 m3/ngày và chỉ tập trung ở 3 nhà máy Tân Bình, nhà máy nước Gò Vấp và nhà máy nước Bình Hưng, hạn chế và tiến dần đến ngừng cấp phép khai thác sử dụng nước dưới đất đơn lẻ cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, quản lý chặt chẽ các hộ dân sử dung giếng khoan cũng như tuyên truyền để người dân sử dụng máy. Qua điều tra thực tế và tính toán, nhu cầu sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khoảng 700000 m3/ngày vì vậy cần tiếp tục hạn chế việc khai thác nước dưới đất tự phát. Nguồn nước tại tầng qp3 khu vực Củ Chi còn khá dồi dào cũng như chưa có dấu hiệu sụt giảm nguồn nước vì vậy nên khai thác ở tầng này; đối với khu vực trung tâm tập trung khai thác ở tầng qpl.

Khuyến khích người dân khai thác nguồn NDĐ tập trung do các nhà máy cung cấp nước để tránh tình trạng thất thoát, gây ô nhiễm và hạn chế khoan giếng. Phân bố tài nguyên NDĐ cho các nhu cầu xã hội ưu tiên hàng đầu là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và ăn uống tiếp theo là sản xuất công nghiệp có khả năng phát triển hoặc có giá trị cao nếu có thể. Phối hợp nguồn nước mặt nên ưu tiên cho việc cấp nước cho nội thành và các khu vực gần ranh mặn (Nhà Bè, quận 12, Bình Chánh…) nhằm giảm lượng khai thác NDĐ tại đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *