Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ đã đã triển khai và nghiệm thu thành công đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam bằng các mô hình động lực” – do PGS. TS. Mai Văn Khiêm làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được phương pháp luận tính toán, xách định cấp độ rủi ro thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); Xây dựng được hệ thống phần mềm tính toán, cảnh báo rủi ro thiên tai bão và ATNĐ theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; Áp dụng thử nghiệm cho khu vực Bắc Trung Bộ.
Từ mục tiêu trên, nhóm đề tài đã triển khai 08 nội dung nghiên cứu đó là: Tổng quan các nghiên cứu về rủi ro thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới và hệ thống cảnh báo rủi ro thiên tai bão, ATNĐ trên thế giới và ở Việt Nam; Xây dựng phương pháp luận tính toán, xác định cấp độ rủi ro thiên tai bão và ATNĐ theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; Khảo sát, điều tra xã hội học và xây dựng bộ tiêu chí phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ; Đánh giá rủi ro thiên tai bão và ATNĐ; Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai bão và ATNĐ cho khu vực Bắc Trung Bộ; Nghiên cứu xây dựng hệ thống cập nhật, thiết lập và quy chuẩn sản phẩm dự báo bão nghiệp vụ và dự báo bão từ các mô hình số trị để phục vụ tính toán và xác định các đặc trưng của hiểm họa do bão và ATNĐ theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; Xây dựng hệ thống phần mềm tính toán, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và ATNĐ theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực Bắc Trung Bộ; Xây dựng quy trình và kiểm định hệ thống phần mềm tính toán, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và ATNĐ theo bản tin dự báo khí tượng thủy văn cho khu vực Bắc Trung Bộ dựa trên các số liệu trong quá khứ; Áp dụng thử nghiệm hệ thống phần mềm tính toán, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bão và ATNĐ theo bản tin dự báo khí tượng thủy văn cho cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ trong mùa bão 2020.
Các sản phẩm của đề tài đã đạt được bao gồm: 06 sản phẩm khoa học; 01 bài báo đăng trên tạp chí uy tín quốc tế, 01 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học trong nước; hỗ trợ đào tạo 02 Tiến sĩ và 01 Thạc sỹ. Các sản phẩm của đề tài đã được chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành và các địa phương thuộc khu vực nghiên cứu.
Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước kết hợp kết quả điều tra thực địa, tham vấn chuyên gia, đề tài đã xây dựng được phương pháp luận tính toán và phân cấp rủi ro thiên tai do bão và ATNĐ trên cơ sở tổ hợp ba thành phần hiểm họa, độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Trong đó, thành phần hiểm họa được phân cấp dựa trên phân cấp các yếu tố lượng mưa 24 giờ lớn nhất, tốc độ gió lớn nhất và tần suất bão/độ tin cậy của dự báo.
Đề tài đã thực hiện phân vùng rủi ro do Bão/ATNĐ cho khu vực Bắc Trung Bộ dựa trên thu thập và tính toán các tiêu chí phụ của ba thành phần cấu thành rủi ro. Kết quả phân vùng chỉ ra, các tỉnh khu vực gần biển thường có mức độ hiểm họa cao hơn các huyện trong đất liền, trong khi đó những khu vực có đông dân cư, khu vực có cơ sở hạ tầng đơn sơ có mức độ phơi bày trước thiên tai lớn hơn các huyện còn lại.
Đề tài đã xây dựng phần mềm cảnh báo thời gian thực rủi ro do Bão/ATNĐ cho khu vực Bắc Trung Bộ theo đơn vị hành chính cấp huyện. Phần mềm được thực hiện tự động hóa tính toán dựa trên bản tin dự báo Bão/ATNĐ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Từ đó, đề tài đã ứng dụng phần mềm thử nghiệm cảnh báo rủi ro do cho cơn bão 2 (Sinlaku) năm 2020 tại khu vực Bắc Trung Bộ. Kết quả tính toán cho thấy mức độ hiểm họa và rủi ro do bão tương đối phù hợp với thực tế diễn biến của cơn bão Sinlaku và có thể áp dụng vào công tác cảnh báo nghiệp vụ.
Nghiệm thu cấp nhà nước
Về mặt khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học về rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ; cung cấp phương pháp luận và quy trình tính toán, xác định cấp độ rủi ro thiên tai bão và áp thấp nhiệt đới theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; góp phần phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo rủi ro đa thiên tai bão, ATNĐ; cung cấp cho các nhà quản lý thiên tai ở Trung ương và địa phương công cụ hỗ trợ trong công tác ứng phó với rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ; góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ cho đội ngũ cán bộ tham gia đề tài và hỗ trợ đào tạo trên đại học theo một hướng nghiên cứu mới.
Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Đặc biệt, phần mềm Hệ thống tính toán, cảnh báo cấp độ rủi ro do bão và ATNĐ theo các bản tin dự báo khí tượng thủy văn khi được ứng dụng sẽ là công cụ hữu ích trong công tác cảnh báo rủi ro thiên tai do bão, ATNĐ cho 3 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, kết quả của đề tài được chuyển giao cho Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Nghệ An, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thanh Hóa để ứng dung phục vụ công tác ứng phó với thiên tai bão, ATNĐ ở khu vực Trung Trung Bộ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai bão, ATNĐ gây ra.