Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do BĐKH đến tài nguyên nước mặt

Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước mặt. Đây là đề tài nghiên cứu quan trọng, là cơ sở để đưa ra các giải pháp nhằm điều chỉnh một số các nội dung liên quan đến hợp phần phân bổ, bảo vệ và phòng chống phục vụ cho công tác quản lý TNN mặt trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất là tài nguyên nước. Tác động tiêu cực của BĐKH đến tài nguyên nước (TNN) về cả số lượng và chất lượng như làm thay đổi hệ số dòng chảy, quá trình bốc thoát hơi, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất của con người… Các tác động này sẽ ngày một gia tăng do ảnh hưởng của BĐKH.

Việt Nam đã có nghiên cứu về rủi ro do BĐKH, tuy nhiên mức độ nghiên cứu đánh giá ở các khía cạnh khác nhau theo một số hướng đánh giá rủi ro đến tài nguyên nước thông qua đánh giá tổn thương; bộ chỉ số; sử dụng các mô hình tính toán. Một số nghiên cứu chỉ ra các bước đánh giá rủi ro nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho lĩnh vực TNN. Do đó nghiên cứu đánh giá rủi ro do BĐKH theo cách tiếp cận mới của IPCC, xem rủi ro do BĐKH đối với tài nguyên nước mặt là hàm của ba thành phần đó là Hiểm họa (H), mức độ phơi bày (E) và tính dễ bị tổn thương (V).

Đây là cách tiếp cận mới vừa sử dụng các chỉ số theo hướng dẫn của IPCC về các hợp phần của rủi ro, vừa sử dụng các mô hình toán, kết hợp với số liệu thống kê để tính toán xác định các giá trị của mỗi hợp phần tạo nên rủi ro, từ đó có một bức tranh toàn cảnh về mức độ rủi ro do BĐKH đến tài nguyên  nước theo các kịch bản đánh giá, các dữ liệu cần thiết để điều chỉnh quy hoạch TNN trên địa bàn nghiên cứu.

Đề tài đã sử dụng kết hợp các cách tiếp cận bao gồm: cách tiếp cận tổng hợp, cách tiếp cận theo hướng rủi ro do BĐKH; cách tiếp cận nguyên lý phát triển bền vững; cách tiếp cận dựa vào tính dễ bị tổn thương; cách tiếp cận theo hướng dựa vào tác động của các hiểm họa tự nhiên. Các phương pháp được sử dụng trong đề tài bao gồm: phương pháp điều tra khảo sát thực địa; phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; phương pháp phân tích không gian; phương pháp mô hình toán; phương pháp chuyên gia; phương pháp tính toán chỉ số rủi ro đến tài nguyên nước (TNN) mặt nhằm đánh giá TNN mặt của tỉnh Quảng Ngãi trong điều kiện BĐKH.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do BĐKH đến tài nguyên nước mặt (Ảnh minh họa)

Việc đánh tác động của BĐKH đến TNN mặt tỉnh Quảng Ngãi bao gồm: Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về tác động và rủi ro do BĐKH đối với vấn đề TNN mặt; Phương pháp đánh giá rủi ro do thiên tai và rủi ro do BĐKH đến TNN mặt; Tổng quan hiện trạng khai thác, sử dụng TNN tỉnh Quảng Ngãi; Đánh giá rủi ro do BĐKH đến TNN mặt tỉnh Quảng Ngãi gồm tổng quan về xây dựng bộ chỉ số đánh giá trong và ngoài nước liên quan đến TNN mặt tỉnh Quảng Ngãi; tổng hợp, phân tích, đánh giá nhằm thiết lập bộ chỉ số rủi ro do BĐKH đến TNN trong điều kiện tỉnh Quảng Ngãi; tham vấn ý kiến chuyên gia về bộ chỉ số đã được thiết lập;  xác định bộ chỉ số rủi ro do BĐKH đến TNN mặt trong điều kiện hiện tại ở tỉnh Quảng Ngãi; Điều tra, khảo sát thu thập số liệu và tài liệu về thay đổi của các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan; chi tiết hóa kịch bản BĐKH cho tỉnh Quảng Ngãi; đánh giá rủi ro do BĐKH đến TNN mặt tại tỉnh Quảng Ngãi; kết quả đánh giá rủi ro do BĐKH đến TNN mặt tại tỉnh Quảng Ngãi.

Đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung quy hoạch TNN

Trên cơ sở các đánh giá tổng quan, Đề tài đã đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch TNN cấp tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu và đề xuất được bộ tiêu chí đánh giá rủi ro do BĐKH đến TNN mặt và có thể áp dụng với một tỉnh điển hình với 4 bộ tiêu chí với 12 chỉ số và 41 chỉ thị đánh giá, tuy nhiên tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Bộ tiêu chí của đề tài được thiết kế phù hợp với 3 nhóm tiêu chí đó là: Tiêu chí về Hiểm họa, tiêu chí về Mức độ phơi lộ và tiêu chí về Mức độ tổn thương, đây được xem là những hợp phần tạo nên rủi ro theo cách tiếp cận mới nhất của IPCC, 2014 về cách tiếp cận trong đánh giá rủi ro nói chung.

Kết quả phân tích và đánh giá cho thấy, BĐKH sẽ ảnh hưởng đến TNN mặt trong cả hiện tại và tương lai thông qua thay đổi trữ lượng và nhu cầu sử dụng nước. Trong tương lai dưới tác động của BĐKH, dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ đều có xu thế tăng còn dòng chảy mùa kiệt có xu thế giảm so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các khu vực của tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, mức độ thay đổi dòng chảy lớn nhất xảy ra ở các huyện Ba Tơ, Mộ Đức và Đức Phổ; mức độ thay đổi dòng chảy nhỏ nhất xảy ra ở các huyện Tây Trà và Trà Bồng.

So với kịch bản nền, do nhiệt độ ở các thời kỳ tương lai theo các kịch bản BĐKH tăng, nên lượng bốc hơi tiềm năng ở các thời kỳ tương ứng cũng tăng so với thời kỳ nền. Xu thế tăng của bốc hơi tiềm năng cũng có sự khác nhau qua từng thời kỳ giữa các kịch bản so với kịch bản nền tương tự như sự biến đổi của nhiệt độ và xu thế tăng này cũng khá tương đồng ở cả hai trạm Ba Tơ và Quảng Ngãi. Trong thời kỳ 2016 – 2035, bốc hơi tiềm năng ở kịch bản RCP4.5 tăng mạnh hơn so với RCP8.5.

Mức độ tăng khá đều giữa hai kịch bản trong thời kỳ 2046 – 2065.
Kết quả phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nhu cầu sử dụng nước cho các lĩnh vực sử dụng nước cho thấy: Đối với nhu cầu tưới nông nghiệp, hầu hết các thời kỳ trong tương lai của hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 đều có nhu cầu tưới 23 nông nghiệp tăng mạnh so với thời kỳ nền ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo kịch bản RCP4.5, thời kỳ 2016 – 2035 có nhu cầu tưới nông nghiệp
tăng so với thời kỳ nền từ 15,49% đến 62,34%, thời kỳ 2046 – 2065 tăng từ 18,67% đến 64,72%, thời kỳ 2080 – 2099 tăng từ 1,05% đến 74,13%. Đối với tác động của BĐKH đến nhu cầu nước cho công nghiệp, nhiều huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi có diện tích đất công nghiệp dự kiến năm 2020 tăng lên khá nhiều so với hiện trạng năm 2015, do đó, nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp cũng tăng mạnh.

Một số huyện không có diện tích đất công nghiệp như Lý Sơn, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà hoặc tăng không đáng kể như Trà Bồng và không thay đổi như Tư Nghĩa. Đối với tác động của BĐKH đến nhu cầu nước cho sinh hoạt, theo kết quả dự báo dân số trong tương lai của tỉnh Quảng Ngãi, dân số thành thị và nông thôn của các huyện, thành phố tăng lên khá nhiều so với hiện trạng năm 2017, do đó, cũng sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH.

Trong thời kỳ 2016 – 2035, nhu cầu sử dụng nước tăng so với hiện trạng năm 2017 đối với dân số thành thị tăng trung bình giữa các huyện, thành phố khoảng 0,339×106 m3; tăng lên 0,604×106 m3 (thời kỳ 2046-2065) theo kịch bản RCP 4.5. Đối với tác động của BĐKH đến nhu cầu nước cho các loại hình sử dụng nước mặt khác (các hoạt động dịch vụ trong đô thị), hầu hết các thời kỳ trong tương lai đều có nhu cầu nước cho các hoạt động công nghiệp dịch vụ trong đô thị tăng so với hiện trạng năm 2017, mặt dù tổng lượng tăng không nhiều nhưng tỉ lệ tăng khá lớn.

Trong thời kỳ 2016 – 2035, nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động công nghiệp dịch vụ trong đô thị tăng so với hiện trạng năm 2017 trung bình khoảng 0,034×106 m3; tăng lên 0,06×106 m3 (thời kỳ 2046-2065) theo kịch bản RCP 4.5.

Kết quả đánh giá rủi ro do BĐKH đến TNN mặt tỉnh Quảng Ngãi cho thấy chỉ số rủi ro có xu hướng gia tăng và sẽ tác động đến TNN tỉnh Quảng Ngãi trong tương lai. Cụ thể, theo kết quả tính toán ở thời điểm hiện tại, mức độ rủi ro của tỉnh Quảng Ngãi ở mức thấp (0,32) do các yếu tố hiểm họa, độ phơi lộ và mức độ tổn thương ở mức thấp (0,31; 0,28; 0,36).

Đối với 14 huyện/thành phố của tỉnh Quảng Ngãi, thành phố Quảng Ngãi (0,48) và huyện Bình Sơn (0,42), có mức độ rủi ro ở mức trung bình, các huyện còn lại ở mức thấp, huyện Minh Long có mức độ rủi ro ở mức rất thấp.

Theo kết quả tính toán, trong tương lai ở kịch bản RCP 4.5 tính cho thời kỳ 2016-2035, giá trị rủi ro gia tăng 0,01 do mức độ hiểm họa tăng (0,01) và giá trị độ tổn thương tăng 0,01, nên mức độ rủi ro của cả tỉnh là 0,32 và được đánh giá ở mức thấp. Tp. Quảng Ngãi (0,48), huyện Bình Sơn (0,48) có mức độ rủi ro trung bình. Các huyện có mức độ rủi ro thấp bao gồm: huyện Sơn Tịnh (0,36), Tư Nghĩa (0,35), Nghĩa Hành (0,27), Mộ Đức (0,33), Đức Phổ (0,35), Trà Bồng (0,30), Tây Trà (0,27), Sơn Hà (0,25), Sơn Tây (0,30), Ba Tơ (0,24), Lý Sơn (0,35). Huyện Minh Long (0,17) có giá trị rất thấp.

Theo kết quả tính toán, trong tương lai ở kịch bản RCP 8.5 tính cho thời kỳ 2016 – 2035, giá trị rủi ro gia tăng 0,01 do mức độ hiểm họa tăng (0,02) và tổn thương tăng 0,01, nên mức độ rủi ro của cả tỉnh là 0,33 và được đánh giá ở mức thấp. Tp, Quảng Ngãi (0,49), huyện Bình Sơn (0,47) có mức độ rủi ro trung bình. Các huyện có mức độ rủi ro thấp bao gồm: huyện Sơn Tịnh (0,37), Tư Nghĩa (0,36), Nghĩa Hành (0,27), Mộ Đức (0,33), Đức Phổ (0,36), Trà Bồng (0,30), Tây Trà (0,26), Sơn Hà (0,28), Sơn Tây (0,30), Ba Tơ (0,27), Lý Sơn (0,35). Huyện Minh Long (0,17) có giá trị rủi ro rất thấp.

Theo kết quả tính toán, trong tương lai ở kịch bản RCP 4.5 tính cho thời kỳ 2046 – 2065, giá trị rủi ro gia tăng 0,01 do mức độ hiểm họa tăng (0,01) và giá trị độ phơi lộ  tăng 0,02 và giá trị độ tổn thương tăng 0,01, nên mức độ rủi ro của cả tỉnh là 0,33 và được đánh giá ở mức thấp. Tp. Quảng Ngãi (0,48), huyện Bình Sơn (0,49) có mức độ rủi ro trung bình. Các huyện có mức độ rủi ro thấp bao gồm: huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa (0,37), Nghĩa Hành (0,26), Mộ Đức (0,33), Đức Phổ (0,34), Trà Bồng (0,31),  Tây Trà (0,27), Sơn Hà (0,28), Sơn Tây (0,32), Ba Tơ (0,25), Lý Sơn (0,35). Huyện Minh Long (0,18) có giá trị rất thấp.

Theo kết quả tính toán, trong tương lai ở kịch bản RCP 8.5 tính cho thời kỳ 2046 – 2065, giá trị rủi ro gia tăng 0.02 do mức độ hiểm họa tăng (0,02) và giá trị độ phơi lộ tăng (0,02) và tổn thương tăng 0,01, nên mức độ rủi ro của cả tỉnh là 0,34 và được đánh giá ở mức thấp. Tp, Quảng Ngãi (0,50), huyện Bình Sơn (0,50) có mức độ rủi ro trung bình. Các huyện có mức độ rủi ro thấp bao gồm: huyện Sơn Tịnh (0,38), Tư Nghĩa (0,36), Nghĩa Hành (0,26), Mộ Đức (0,32), Đức Phổ (0,36), Trà Bồng (0,32), Tây Trà (0,31), Sơn Hà (0,28), Sơn Tây (0,33), Ba Tơ (0,26), Lý Sơn (0,35). Huyện Minh Long (0,19) có giá trị rủi ro rất thấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *