Đề tài do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện năm 2018 đã nghiên cứu thành công việc kết hợp giữa phương pháp quan trắc truyền thống với các phương pháp sử dụng mô hình toán để đánh giá hiện trạng lắng đọng axit và lập bản đồ lắng đọng axit cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Nghiệm thu đề tài cấp Bộ
Cần một nghiên cứu chuyên sâu về lắng đọng axít tại Việt Nam
Lắng đọng axit là một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không chỉ vì mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng tới cuộc sống con người và tới hệ sinh thái mà còn vì tác động của chúng đã vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của mỗi quốc gia và nhân loại đang phải xem xét ảnh hưởng của chúng ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Ở Việt Nam, mưa axít chiếm tới 30 – 50% số lần mưa. Theo số liệu quan trắc của 22 trạm hóa nước mưa (thuộc Mạng lưới trạm Khí tượng Thủy văn và Môi trường quốc gia) giai đoạn 2000-2004, có nơi tần suất mưa axít cao lên tới 50% điển hình như Việt Trì, Tây Ninh và Huế. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nằng, Hồ Chí Minh, lượng mưa axít luôn cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với các khu vực nông thôn rừng núi như Cúc Phương, Nha Trang, Cà Mau… Do vậy, mưa axít ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế xã hội trong những vùng này là không thể tránh khỏi.
Những năm gần đây, ở nước ta đã xuất hiện những thông tin, hiện tượng liên quan đến vấn đề lắng đọng axít gây bức xúc trong xã hội như tin đồn về mưa axít do ảnh hưởng từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011; hiện tượng mưa mù gây cay xót mắt, đau rát da, cổ họng, cháy lá cây non xảy ra tại thành phố Bắc Giang (ngày 24 tháng 10 năm 2014); sự phát thải quá mức các khí SO2, NO2 tại các khu công nghiệp gây ra hiện tượng nước mưa có độ pH<5,6 như ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ- Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường Việt Nam). Để có thể giải thích những hiện tượng, những bức xúc trên cần phải tiến hành các nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng khoa học cụ thể, đó cũng là cơ sở để đề xuất các biện pháp quản lý hiệu quả.
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Viện KTTVBĐKH) là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới Giám sát lắng đọng axít vùng Đông Á (EANET), với kinh nghiệm 19 năm (từ năm 1999) tham gia hoạt động Viện cần có một nghiên cứu để thể hiện được kết quả hoạt động trong thời qua.
Chính vì vậy, một nghiên cứu chuyên sâu về quá trình lắng đọng axít, đánh giá được nguồn và quá trình vận chuyển gây ra lắng đọng axit cần được thực hiện. Nghiên cứu này sẽ sử dụng phương pháp mô hình hóa kết hợp với phương pháp quan trắc nhằm đưa ra hiện trạng và bản đồ phân bố lắng đọng axít cho Việt Nam. Bản đồ phân bố lắng đọng axít sẽ phục vụ cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết định, những biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do lắng đọng axit gây ra. Kết quả của nghiên cứu này còn có thể phục vụ cho Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia do Bộ TNMT công bố, đồng thời còn có thể sử dụng cho Báo cáo tổng kết giai đoạn (5 năm/lần) của các nước thành viên EANET.
Lập bản đồ lắng đọng axit cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam
Đề tài đã nghiên cứu thành công việc kết hợp giữa phương pháp quan trắc truyền thống với các phương pháp sử dụng mô hình toán để đánh giá hiện trạng lắng đọng axit và lập bản đồ lắng đọng axit cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Những kết quả cụ thể đạt được: Thiết lập thành công bộ công cụ ghép nối các mô hình WRF+ REAS+ CMAQ phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, mô phỏng lan truyền và lắng đọng axit cho quy mô toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Qua mô phỏng từ mô hình cho thấy những khu vực có mức độ lắng đọng axit cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện trạng (năm 2015) mức độ lắng đọng axit (tổng lượng lắng đọng ướt và khô) cao nhất tại Hà Nội, Việt Trì, Bắc Giang, Ninh Bình, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đạt 20-50 kgS/ha/năm, và đạt 5-10 kgN/ha/năm, trong đó, lượng lắng đọng ướt và khô chiếm tỷ lệ tương đương nhau (khoảng 40%- 60%).
Kết quả đánh giá hiện trạng lắng đọng axit dựa vào số liệu quan trắc cho thấy mưa axit đã xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau. Ở khu vực phía Bắc của Việt Nam mưa axit xảy ra thường xuyên và mức độ khá nghiêm trọng như tại Cúc Phương 44%, Bắc Giang 37%, Thái Nguyên 40%, Việt Trì 30%. Mưa axit cũng xảy ra tại khu vực miền Trung tại Vinh 60%, Huế 47%, Đà Lạt 35%, Nha Trang 31%, Pleiku 32%,. Khu vực miền Nam cũng xảy ra mưa axit như tại Tây Ninh 37% và Cần Thơ 35%. Có những khu vực ít nguồn thải như Cúc Phương, Đà Lạt, Pleiku nhưng mức độ mưa axit và lắng đọng axit lại rất cao chứng tỏ rằng có sự lan truyền ô nhiễm trong không khí từ khu vực khác đến.
Hiện tại, ở Việt Nam có một số mạng lưới trạm quan trắc lắng đọng axit đó là mạng lưới của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, mạng lưới của Tổng cục Môi trường và mạng lưới EANET. Tuy nhiên, số lượng trạm còn hạn chế và phân bố chưa hợp lý. Thêm vào đó, các mạng lưới này được đầu tư trang thiết bị, cũng như quy trình hoạt động, hướng dẫn kỹ thuật, nhân lực rất khác nhau, không thống nhất. Vì vậy, việc tổng hợp cũng như đánh giá nguồn thông tin, số liệu từ các mạng lưới này rất khó khăn. Mặc dù, Quy hoạch mạng lưới giám sát lắng đọng axit cho Việt Nam đã được phê duyệt từ năm 2016 (Quyết định số 90/QĐ-Ttg), tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của đề tài nhận thấy cần bổ sung, điều chỉnh danh mục trạm giám sát lắng đọng axit quy hoạch.
Trên cơ sở kết quả thu được của đề tài, đề tài có một số kiến nghị như: Tiếp tục duy trì các hoạt động quan trắc, và phát triển mạng lưới trạm giám sát lắng đọng axit (bao gồm cả lắng đọng ướt và lắng đọng khô) trên phạm vi cả nước, đầu tư đồng bộ, hiện đại, hoạt động theo quy chuẩn thống nhất. Tiếp tục nghiên cứu về lắng đọng axit, đặc biệt đầu tư xây dựng bộ số liệu kiểm kê nguồn phát thải ô nhiễm không khí để làm đầu vào chính xác cho các nghiên cứu phục vụ quản lý chất lượng không khí. Hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí nói chung và giám sát lắng đọng axit nói riêng để có thể cung cấp thông tin dữ liệu phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến của ô nhiễm không khí, lắng đọng axit tại Việt Nam. Cho phép xây dựng các đề tài, dự án chuyên sâu nghiên cứu về các vấn đề tác động của lắng đọng axit đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, đặc biệt là môi trường đất, sinh vật. Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu về ô nhiễm không khí, lắng đọng axit với các nước trong khu vực và trên thế giới.