Phương pháp luận về phân tích thủy văn (CHA)

Nằm trong khuôn khổ “Hội nghị Ban chỉ đạo IHP khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RSC – AP) lần thứ 28 và Hội thảo Phương pháp luận về phân tích thủy văn (CHA)”, trong ngày làm việc thứ hai, các đại biểu đã nghe báo cáo về Phương pháp luận phân tích thủy văn (CHA) tập II: “Vận hành hồ chứa hướng đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, khan hiếm và suy giảm chất lượng nước” và thảo luận các vấn đề liên quan.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) tự hào cho biết: Viện Khoa học KTTV&BĐKH được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập từ 1977, hoạt động trong lĩnh vực Khí tượng, Thủy văn, Môi trường và Biến đối khí hậu. Là Viện nghiên cứu đầu ngành về khí tượng thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu, Viện đã vinh dự được giao làm đầu mối cho Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP) tại Việt Nam. Đây là chương trình liên chính phủ duy nhất của hệ thống Liên Hợp Quốc dành cho nghiên cứu nước, quản lý nguồn nước, giáo dục và xây dựng năng lực quản lý tài nguyên nước.

PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Trong những năm gần đây, với sự tham gia tích cực của các quốc gia thành viên, ấn phẩm về Phân tích Thủy văn đã được xuất bản. Đây là ấn phẩm nhằm chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý và nghiên cứu khoa học về nước, đã được chính thức khởi xướng trước khi khai mạc chính thức Hội nghị của Ủy ban Chỉ đạo Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Thủy văn quốc tế lần thứ 26.

 Ban đại diện tại Hà Nội

Tiếp theo thành công của ấn phẩm số 1, hội thảo Phương pháp luận về phân tích thủy văn (CHA) đã nghe các đại biểu đại diện ủy ban quốc gia của các nước về Chương trình Thủy văn quốc tế trong đó có Việt Nam chia sẻ một số nghiên cứu, kinh nghiệm tiêu biểu được chọn công bố trong ấn phẩm số 2 với chủ đề “Vận hành hồ chứa hướng đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, khan hiếm và suy giảm chất lượng nước” như: Vận hành đập Tam Hiệp tại lưu vực sông Dương Tử – Quan điểm động lực học; Vận hành đập Saguling tại lưu vực sông Citarum ở Tây Java – Indonesia: Cơ hội và thách thức; Hiện trạng và thách thức mới trong vận hành các hệ thống hồ chứa ở Nhật Bản; Vận hành hồ chứa tại Hàn Quốc; Vận hành hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng tại lưu vực sông Perak ở Malaysia; Giới thiệu các các hồ chứa và cơ chế vận hành tại Phillipin; Đánh giá cơ chế vận hành hồ chứa nhằm điều tiết lũ tại hạ lưu, nghiên cứu điển hình cho sông Hồng Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo trực tiếp và online

Với nhiều ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề vận hành liên hồ chứa, Hội thảo đã giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học, đại biểu hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước có cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng quản lý, sử dụng tài nguyên nước và đưa ra các biện pháp cho các vấn đề thủy văn liên quan.

Các đại biểu đặt câu hỏi tại hội thảo

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận sôi nổi về chủ đề Phương pháp luận Phân tích thủy văn tập III.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *