Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã triển khai và nghiệm thu thành công Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia KC.08.24/16-20: “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý đa thiên tai, xây dựng công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ” – do PGS.TS. Huỳnh Thị Lan Hương làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài là đánh giá được hiện trạng và xu thế biến đổi của một số loại hình thiên tai điển hình ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ; Xây dựng được các phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai; Xây dựng được bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ.

Nghiệm thu cấp nhà nước

Từ mục tiêu trên, nhóm đề tài đã triển khai 08 nội dung nghiên cứu gồm: Tổng quan các nghiên cứu về thiên tai, phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam; Đánh giá hiện trạng, xu thế biến đổi của một số loại hình thiên tai điển hình (bão; lũ, ngập lụt, lũ quét; nước dâng do bão; hạn hán) và hiện trạng đa thiên tai cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ; Đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai đối với một số thiên tai đơn điển hình; Xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai và khung quản lý đa thiên tai; Áp dụng thử nghiệm cách tiếp cận đa thiên tai và đa rủi ro đối với trường hợp thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp trong một cơn bão điển hình (gió mạnh, mưa lớn, lũ, nước dâng do bão, sóng lớn…) cho khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão (Đà Nẵng, Quảng Nam); Xây dựng bản đồ rủi ro đa thiên tai tỷ lệ 1/250.000 cho khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão điển hình; Xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý nhằm giảm nhẹ rủi ro đa thiên tai, áp dụng thí điểm cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ; Áp dụng thử nghiệm cho 1 cơn bão đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam trong năm 2018 – 2020

Các sản phẩm của đề tài đã đạt được bao gồm: 09 sản phẩm khoa học; 03 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế (02 bài báo đăng trên hệ thống tạp chí ISI và 01 bài báo đăng trên hệ thống tạp chí Scopus), 05 bài báo đăng trên tạp chí Khoa học trong nước; hỗ trợ đào tạo 02 Tiến sĩ, đào tạo thành công được 02 Thạc sỹ và hỗ trợ đào tạo 01 Thạc sỹ. Các sản phẩm của đề tài đã được chuyển giao cho các cơ quan chuyên ngành, các địa phương thuộc khu vực nghiên cứu và cơ sở đào tạo.

Kết quả phân tích hiện trạng thiên tai cho thấy khu vực Trung Trung Bộ đã và đang chịu tác động mạnh mẽ của cả 5 loại hình thiên tai bao gồm bão và ATNĐ, lũ và ngập lụt, lũ quét, nước dâng do bão và hạn hán. Từ đó, đề tài đã tính toán và phân vùng rủi ro cho 5 loại hình thiên tai điển hình trên đến đơn vị cấp huyện.

Dựa trên khái niệm rủi ro thiên tai do UNISDR và IPCC đề xuất và kết quả điều tra thực địa, tham vấn chuyên gia, đề tài đã xây dựng được phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đề tài đã áp dụng phương pháp trên để đánh giá rủi ro đa thiên tai xảy ra đồng thời và nối tiếp trong cơn bão Xangsane 2006. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ đa hiểm họa, đa tổn thương và rủi ro đa thiên tai đều cao hơn mức độ hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và rủi ro do thiên tai đơn. Do đó, đối với những khu vực thường bị ảnh hưởng bởi các thiên tai xảy ra đồng thời/nối tiếp, cần được đánh giá rủi ro đa thiên tai.

Đề tài đã xây dựng được bộ công cụ web GIS tính toán và hiển thị kết quả đánh giá rủi ro đa thiên tai trong bão phục vụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý nhằm giảm nhẹ rủi ro đa thiên tai và thử nghiệm đánh giá rủi ro đa thiên tai cho cơn bão Noul năm 2020. Kết quả thử nghiệm cho thấy phân bố mức độ đa hiểm họa và đa rủi ro ở cả khu vực đất liền và vùng ven biển đều tương đối phù hợp với thực tế diễn biến thiên tai trong cơn bão Noul. Từ đó, đề tài đã đề xuất được khung quản lý rủi ro đa thiên tai phù hợp với khu vực Trung Trung Bộ.

Nhìn chung về mặt khoa học, công nghệ kết quả nghiên cứu của đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học về rủi ro thiên tai và rủi ro đa thiên tai; Đề tài đã hoàn thiện được phương pháp đánh giá rủi ro đa thiên tai trong trường hợp các hiểm họa xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp, áp dụng cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ; Đề tài đã cung cấp phương pháp tính toán, xác định cấp độ rủi ro cho 5 loại hình thiên tai (bão, lũ ngập lụt, lũ quét, nước dâng do bão, hạn hán) cho khu vực Trung Trung Bộ; Đề tài đã góp phần phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo rủi ro đa thiên tai; cung cấp cho các nhà quản lý thiên tai ở Trung ương và địa phương công cụ hỗ trợ trong công tác ứng phó với rủi ro đa thiên tai, góp phần vào việc quản lý rủi ro thiên tai, hoạch định chính sách và phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ; Đề tài đã góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ cho đội ngũ cán bộ tham gia đề tài.

 

Về mặt thực tiễn đề tài đã được chuyển giao cho Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ phục vụ công tác cảnh báo rủi ro đa thiên tai trong trường hợp các thiên tai xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp ở khu vực Trung Trung Bộ; Kết quả của đề tài được chuyển giao cho Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ngãi để ứng dung phục vụ công tác ứng phó với thiên tai và đa thiên tai cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ. Đặc biệt, phần mềm Bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định ứng phó với đa thiên tai khi được ứng dụng sẽ là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo ứng phó trong và sau khi đa thiên tai xảy ra ở khu vực Trung Trung Bộ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do đa thiên tai gây ra. Ngoài ra đề tài cũng được chuyển giao cho Sở tài nguyên và môi trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *