Đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu biến động hình thái cửa sông Cổ Chiêndưới tác động thủy động lực” đã được tiến hành trong 3 năm 2014 – 2016 dưới sự chủ trì của chủ nhiệm Th.s. Nguyễn Văn Hồng đã sử dụng diễn biến hình thái học cũng như quá trình bồi lắng và xói lở ở cửa sông Cổ Chiên. Mô hình MIKE 21 đã được lựa chọn để áp dụng, mô hình là sự kết hợp của mô hình thủy động lực học, như mô hình sóng, dòng chảy và mô hình vận chuyển bùn cát.
Cửa sông Cổ Chiên thuộc nhánh sông Tiền, là cửa ngõ huyết mạch, có vai trò quan trọng trong việc giao thông, thoát lũ của các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre,…. Trong nhiều năm trở lại đây, tình hình bồi lắng xói lở diễn ra hết sức phức tạp tại khu vực này, điển hình là sự dâng cao của địa hình đáy sông, sự hình thành các bãi bồi và các cù lao mới, bên cạnh đó là sạt lở bờ cũng diễn ra tương đối mạnh và đe dọa đến các hoạt động kinh tế cũng như cuộc sống người dân địa phương.
Hiện tượng bồi lắng xói lở bờ biển
Điển hình như xói lở bờ biển Thạnh Phú (Bến Tre) đã gây thiệt vào năm 2012, bao gồm: mất đất đai (15,69 ha), cây bị thiệt hại: chủ yếu là đước, kế đến là phi lao, bần mắm, tổng số tiền thiệt hại (gỗ) khoảng 930 m3, ước tính khoảng 550 triệu đồng và nguyên nhân chủ yếu do xói lở, cát tràn, triều cường. Với đặc trưng của cửa sông vùng triều, các nhân tố như dòng chảy từ thượng lưu, thủy triều, sóng, dòng ven bờ, bùn cát được cho là các nguyên nhân chính gây ra quá trình biến đổi hình thái trên.
Công tác nghiên cứu xói lở, bồi lắng luôn là một đề tài khó khăn và thu hút nhiều sự quan tâm của không chỉ các nhà nghiên cứu chuyên sâu mà cả với các nhà quản lý cũng như dư luận và công chúng. Nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra ban đầu, trong khoảng 3 năm thực hiện, với những nỗ lực hết mình, tập thể cán bộ tham gia đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đề cương đã đăng ký. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra, khảo sát, nghiên cứu điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội cũng như các nguyên nhân tổng thể khác ảnh hưởng đến xói lở khu vực cửa sông Cổ Chiên; thực hiện đánh giá hiện trạng bồi lắng, xói lở trên dòng sông khu vực cửa sông Cổ Chiên. Thông qua nghiên cứu, đã đề xuất, kiến nghị các biện pháp bảo vệ cửa sông Cổ Chiên phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Theo kết quả nghiên cứu, diễn biến trường sóng khu vực cửa sông Cổ Chiên, mùa khô, chiều cao sóng lớn nhất xa bờ có thể từ 1m – 3m. Khi vào gần bờ, sóng có hướng vuông góc với bờ và chiều cao của sóng giảm, hướng gió chủ yếu là gió đông đông bắc thổi từ Biển Đông vào.
Mùa mưa, hướng gió thịnh hành khu vực chủ yếu là Tây, Tây Tây Nam và Tây Nam, ngược với hướng mở đường bờ ven biển của cửa sông, do đó ảnh hưởng đến hướng sóng, độ cao sóng ở ngoài khơi trên 0,9m, đi vào bờ độ cao sóng giảm còn trong khoảng 0,2 – 0,5m.
Diễn biến trường dòng chảy khu vực cửa sông Cổ Chiên, vào mùa khô, dòng chảy có vận tốc triều rút chiếm ưu thế, nhất là ở luồng tàu bên cửa Cổ Chiên, kéo dài từ Chợ Lách ra cửa biển, cửa Cung Hầu cũng xuất hiện vận tốc lớn, tuy nhiên ra đến cửa biển bị các cồn cát làm giảm tốc độ. Khi triều lên trong mùa này dòng chảy thượng nguồn kém, dòng triều đi vào cửa sông chiếm ưu thế.
Vào mùa mưa, vận tốc dòng chảy lớn tập trung chủ yếu ở giữa dòng (cao nhất đạt 1,31 m/s) và nhỏ dần ở hai bên bờ tại Bến Trại. Trong mùa mưa, lũ thượng nguồn mạnh kết hợp dòng triều khi rút đã tạo nên vận tốc chảy ra mạnh hơn vận tốc chảy vào.
Biến đổi hàm lượng chất rắn lơ lửng dưới tác động tổng hợp của sóng, thủy triều, dòng chảy, khu vực ven biển cửa sông Cổ Chiên,hàm lượng chất rắn lơ lửng chịu ảnh hưởng mạnh bởi chế độ sóng. Khu vực trong sông và cửa sông chịu tác động của dòng chảy triều và dòng chảy thượng nguồn đổ về, trong đó, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong sông lớn hay nhỏ phụ thuộc khá lớn vào dòng chảy từ thượng nguồn đổ về.
Khi triều lên, hàm lượng chất rắn lơ lửng bị dòng triều đẩy ngược từ khu vực cửa sông vào trong sông, gây lắng đọng ở những khu vực có vận tốc dòng chảy nhỏ, đó là khu vực phía bên Cồn Nghêu và bên cửa Cung Hầu.
Khi triều xuống, nồng độ hàm lượng chất rắn lơ lửng lớn hơn so với triều lên và bị dòng chảy đẩy ra ngoài phía biển khá nhiều, hàm lượng chất rắn lơ lửng bị dòng chảy biển đưa đi nơi khác làm cho khu vực này mất một lượng hàm lượng chất rắn lơ lửng khá lớn từ trong sông đổ ra. Kết quả nghiên cứulà cơ sở cho việc giải thích những nơi bị bồi tụ và xói lở của khu vực cửa sông Cổ chiên khi tính toán đến diễn biến đáy của cửa sông.
Diễn biến bồi lắng, xói lở khu vực cửa sông Cổ Chiên, mùa khô, khu vực bị xói nhẹ khoảng 0,1m. Khi dòng chảy càng gần cửa sông đổ ra biển, nhánh bên trái (tính từ thượng nguồn nhìn xuống) có tốc độ xói nhiều hơn nhánh phải. Điều này là do dòng chảy tập trung phía nhánh phải (cửa Cung Hầu) nhỏ hơn vận tốc dòng chảy phía nhánh trái (cửa Cổ Chiên), địa hình nhánh cửa Cổ Chiên hẹp và sâu hơn, đồng thời dòng chảy chính cũng phân bố bên này, do đó, tốc độ xói lở cũng xảy ra mạnh mẽ hơn.Phía nhánh phải (cửa Cung Hầu) gần cửa biển, có hiện tượng bồi lấp tương đối lớn (0,06 – 0,4m) là do dòng chảy sông đổ ra biển, gặp dòng nước biển đổ từ phía Bắc xuống, làm giảm năng lượng và vận tốc dòng chảy, dẫn đến ở vị trí cửa sông này nhanh chóng bị bồi lấp.