Đề tài do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển và ảnh hưởng của sử dụng đất (SDĐ), thay đổi tài nguyên đất và nước ở lưu vực sông (LVS) Sê San – Srêpôk, phục vụ cho công tác quản lý bền vững tài nguyên và môi trường ở một khu vực có vai trò chiến lược như Tây Nguyên.
Nghiệm thu đề tài cấp Bộ
Cần đánh giá toàn diện về tác động của thay đổi sử dụng đất đến tài nguyên nước mặt của lưu vực sông Sê San – Srêpôk
Các sông Sê San và Srêpôk là một trong những nhánh chính của sông Mê Công có lưu vực bao trùm phần lớn lãnh thổ Tây Nguyên, nuôi sống và đảm bảo nguồn nước và sinh kế cho hơn 3,5 triệu người dân trong khu vực Tây Nguyên và các nước anh em Cămpuchia và Lào, phần lớn trong số đó là các cộng đồng nghèo từ rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau.
Diện tích rừng ở Tây Nguyên ngày càng giảm nhanh, theo số liệu trong niên giám thống kê của các tỉnh vùng Tây Nguyên, tổng diện tích tích đất có rừng năm 2005 là 3.031.174 ha, năm 2010 là 2.760.996 ha (giảm 8,91% so với năm 2005) và năm 2015 là 2.493.450 ha (giảm 9,69% so với năm 2010 và giảm 19,48% so với năm 2005). Điều này đã khiến cho tài nguyên nước (TNN) ở Tây Nguyên trong đó có LVS Sê San và Srêpôk ngày càng suy giảm, đặc biệt là trong mùa khô, tình trạng thiếu nước xảy ra ngày càng trầm trọng.
TNN lưu vực các sông Sê San và Srêpôk có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên nhưng lại phụ thuộc nhiều vào trạng thái thảm thực vật và rừng, vào hiện trạng và quy hoạch SDĐ cũng như điều kiện khí hậu và thiên tai trong vùng. Chính vì vậy việc nghiên cứu, đánh giá được đầy đủ và toàn diện các ảnh hưởng hiện tại và tiềm tàng của SDĐ và thay đổi SDĐ đến TNN là rất quan trọng cho phát triển KT-XH bền vững và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Trong thời gian một vài thập kỷ gần đây, do các hoạt động phát triển mạnh mẽ và thay đổi mục đích và phương thức sử dụng đất (SDĐ) trong các lưu vực sông (LVS). Ví dụ chuyển từ đất rừng sang đất trồng cây công nghiệp hoặc canh tác nông nghiệp, mất rừng do xây dựng đập hoặc khai khoáng, gia tăng phá rừng và cháy rừng do người dân khó khăn phải đi đến những vùng mới đốt rẫy v.v… đã làm cho các vùng rừng đầu nguồn có dấu hiệu thoái hóa rất nhanh; chức năng bảo vệ, lưu giữ và điều hòa nguồn nước của hệ sinh thái rừng và thảm thực vật bị suy giảm nghiêm trọng. Cộng thêm với các yếu tố quy hoạch chưa hợp lý, khí hậu, thời tiết và thiên tai ngày càng khắc nghiệt, thay đổi SDĐ đã và đang là một trong các yếu tố quyết định gây suy thoái nguồn nước (cả về số lượng và chất lượng) và trầm trọng hóa các thiên tai về nước (như lũ lụt, hạn hán, lũ quét và sạt lở đất…) trong lưu vực các sông Sê San và Srêpôk nói riêng và các LVS ở Việt Nam nói chung.
Cho đến nay trên lưu vực các sông Sê San và Srêpôk chưa có một nghiên cứu nào đánh giá một cách hệ thống, cả định tính và định lượng, các tác động của thay đổi SDĐ trong mối tương quan chặt chẽ với các yếu tố thành phần khác (như phát triển KT-XH và các đập thủy điện, thủy lợi; thay đổi cơ cấu cây trồng, thảm phủ rừng và suy thoái rừng, kể cả yếu tố BĐKH) đến TNN mặt.
Đã xây dựng được quy trình đánh giá tác động của thay đổi SDĐ đến TNN mặt cho LVS và áp dụng cho LVS Sê San và Srêpôk
Đề tài đã xây dựng được quy trình đánh giá tác động của thay đổi SDĐ đến TNN mặt cho LVS với 12 bước chính. Mỗi bước đều được trình bày chi tiết các nội dung cần thực hiện cũng như các phương pháp, công cụ cần được sử dụng để tính toán, những loại số liệu, dữ liệu, bản đồ nào cần được thu thập, xử lý và xử lý ra sao, sau khi thực hiện các nội dung trong từng bước thì sẽ đạt được những kết quả gì. Trong đó có một số bước có nội dung quan trọng như là phân chia các loại hình SDĐ thành các nhóm đất để đánh giá, xác định các tiểu LVS đại biểu và kịch bản thay đổi SDĐ cho từng nhóm đất. Các phương pháp, công cụ được kiến nghị sử dụng trong Quy trình đã được áp dụng nhiều trong các nghiên cứu trước đây cả trên thế giới và ở Việt Nam và những thông tin, dữ liệu cần thiết cho các phương pháp này đều sẵn có ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam và có khả năng thu thập, do đó, Quy trình này có khả năng áp dụng cho các LVS ở Việt Nam để đánh giá tác động của thay đổi SDĐ đến TNN mặt cho LVS.
Đề tài đã áp dụng Quy trình này để đánh giá tác động của thay đổi SDĐ đến TNN mặt cho LVS Sê San và Srêpôk. Từ các bản đồ địa hình, đất (thổ nhưỡng) và sử dụng đất của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trên khu vực nghiên cứu, đề tài đã trích xuất và tổng hợp thành các bản đồ cho LVS Sê San và Srêpôk.
Trên cơ sở phân chia các loại hình sử dụng đất được quy định trong Quyết định số 22/2007/QĐ-BTNMT ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành quy định về thành lập bản đồ hiện trạng SDĐ và Luật đất đai số 45/2013/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 29 tháng 11 năm 2013 cùng với kinh nghiệm phân chia các nhóm đất đã được thực hiện trong các nghiên cứu trước đây cả trên thế giới và ở Việt Nam, đề tài đã phân chia các loại hình SDĐ thành 7 nhóm đất chính là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp (đất rừng), đất phi nông nghiệp, đất ở, đất chưa sử dụng và đất sông suối và mặt nước chuyên dùng. Trên cơ sở bản đồ địa hình, LVS Sê San đã được chia thành 26 tiểu LVS và LVS Srêpôk được chia thành 55 tiểu LVS. Cùng với các bản đồ hiện trạng SDĐ các năm 2005, 2010, 2015 và quy hoạch năm 2020, đề tài đã lựa chọn được các tiểu LVS đại biểu với diện tích của nhóm đất chính được sử dụng để đánh giá đạt trên 2/3 diện tích của tiểu LVS đại biểu, đối với các nhóm đất chính có diện tích nhỏ, không đạt 2/3 diện tích của tiểu LVS đại biểu, đề tài đã xác định được các cặp tiểu LVS đại biểu và đã xác định được các kịch bản thay đổi SDĐ cho từng nhóm đất.
Bộ thông số mô hình SWAT đã được hiệu chỉnh và kiểm định để tìm ra các bộ thông số mô hình phù hợp, từ đó áp dụng cho các tiểu LVS của hai LVS Sê San và Srêpôk để tính toán dòng chảy theo các phương án SDĐ khác nhau cho từng tiểu LVS. Độ chính xác của kết quả tính toán được đánh giá sử dụng các chỉ tiêu NSI, sai số đỉnh lũ, sai số tổng lượng (PBIAS) và RSR và đều cho kết quả tốt, chỉ tiêu NSI nằm trong phạm vi từ 0,73 đến 0,91, sai số đỉnh lũ có giá trị tuyệt đối nằm trong phạm vi từ 1,32% đến 11,92%, PBIAS có giá trị tuyệt đối nằm trong phạm vi từ 1,08% đến 17,19%, RSR nằm trong phạm vi từ 0,32 đến 0,53.
Trên cơ sở kết quả tính toán sự thay đổi diện tích của các nhóm đất và thay đổi TNN mặt trên các tiểu LVS đại biểu tương ứng với các kịch bản thay đổi SDĐ, đề tài đã đánh giá tác động do thay đổi diện tích của từng nhóm đất đến TNN mặt trên LVS Sê San và Srêpôk thông qua các đặc trưng TNN mặt như tổng lượng nước mặt mùa lũ, mùa cạn, 1 và 3 tháng lớn nhất và nhỏ nhất.
Kết quả cho thấy, ba nhóm đất là đất lâm nghiệp (đất rừng), đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm có tác động tích cực đến sự phân bố TNN mặt trong năm, nghĩa là khi diện tích của các nhóm đất này tăng thì tổng lượng nước mặt của các tháng ít nước (trong mùa cạn) sẽ tăng lên và tổng lượng nước mặt của các tháng nhiều nước (trong mùa lũ) sẽ giảm xuống và ngược lại, trong đó, nhóm đất lâm nghiệp (đất rừng) có tác động mạnh nhất đến TNN mặt, hai nhóm đất trồng cây hàng năm và lâu năm có tác động tương đối nhưng nhỏ hơn nhiều so với nhóm đất lâm nghiệp (đất rừng). Bốn nhóm đất còn lại là đất phi nông nghiệp, đất ở, đất chưa sử dụng, đất sông suối và mặt nước chuyên dùng có tác động ngược lại so với ba nhóm đất ở trên nhưng tác động không đáng kể đến đến TNN mặt. Cụ thể, khi diện tích đất lâm nghiệp (đất rừng) giảm khoảng 14,38% thì tổng lượng nước mặt 1 tháng nhỏ nhất giảm 21,55%, tổng lượng nước mặt 3 tháng nhỏ nhất giảm 7,42%, tổng lượng nước mặt mùa cạn giảm 2,55%, tổng lượng nước mặt 1 tháng lớn nhất tăng 3,37%, tổng lượng nước mặt 3 tháng lớn nhất tăng 3,58%, tổng lượng nước mặt mùa lũ tăng 3,64%; khi diện tích nhóm đất này giảm khoảng 34,84% thì tổng lượng nước mặt 1 tháng nhỏ nhất giảm 77,78%, tổng lượng nước mặt 3 tháng nhỏ nhất giảm 42,5%, tổng lượng nước mặt mùa cạn giảm 7,76%, tổng lượng nước mặt 1 tháng lớn nhất tăng 11,64%, tổng lượng nước mặt 3 tháng lớn nhất tăng 12,12%, tổng lượng nước mặt mùa lũ tăng 11,88%.
Trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của thay đổi SDĐ đến TNN mặt LVS Sê San và Srêpôk, đề tài đã đề xuất một số giải pháp điều chỉnh diện tích một số nhóm đất trong quy hoạch SDĐ năm 2020 và 2030 và một số giải pháp khác về chính sách, kỹ thuật, tài chính, kinh tế, xã hội và môi trường nhằm bảo vệ và phát triển bền vững TNN mặt cho LVS Sê San và Srêpôk.