Nghiên cứu hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ khí nhà kính cho lĩnh vực quản lý chất thải

Đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ khí nhà kính cho lĩnh vực quản lý chất thải” do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã xây dựng được mô hình đánh giá được hiệu quả kinh tế cho các giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị được đề cập trong NDC và nghị định 1775/NĐ-CP về “Phê duyệt đề án quản lý phát thải khí nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới”.

Việt Nam cam kết cắt giảm phát thải vào năm 2030

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và khó dự đoán hơn trước. Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt tới việc ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua việc ban hành các chính sách, hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt chủ động cùng các nước trên thế giới cam kết và thực hiện các hiệp ước, thỏa thuận quốc tế về BĐKH.

Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Tính tới nay, Việt Nam cùng hơn 148 nước đã phê chuẩn việc thực hiện thỏa thuận Paris. Trong đó Việt Nam thể hiện cam kết cắt giảm phát thải của mình tới năm 2030 trong Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) được đệ trình lên UNFCCC thông qua các mục tiêu cắt giảm không điều kiện 8% và 25% với sự hỗ trợ quốc tế. Tiếp theo đó, với việc tham gia Thỏa thuận Paris và Ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu theo Quyết định số 2053/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, INDC của Việt Nam đã được vào thực hiện và chính thức trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Lĩnh vực chất thải không phải là lĩnh vực phát thải lớn trên tổng số phát thải của Việt Nam, với tỷ lệ phát thải chiếm 5% tổng số phát thải của các lĩnh vực. Tuy nhiên, lĩnh vực chất thải có tiềm năng lớn đề giảm phát thải về gần
không. Bởi vậy, trong NDC, Việt Nam cũng đã xác định các giải pháp nhằm giảm phát thải KNK trong lĩnh vực chất thải. Nhằm đưa các giải pháp này thực hiện rộng rãi trong thực tế, ngoài việc chính phủ Việt Nam tiếp tục sử dụng các nguồn vốn ngân sách về môi trường, chính phủ cần phải xã hội hóa và thu hút được các đầu tư từ các tổ chức tư nhân, các tổ chức xã hội và các hỗ trợ từ nước ngoài qua các quỹ hoặc các hợp tác song phương và đa phương về BĐKH.

Muốn làm được điều này, cần phải cung cấp cho các nhà đầu tư về BĐKH các thông tin về hiệu quả đầu tư và thực hiện các giải pháp này đối với một đơn vị giảm phát thải KNK. Bởi vậy, việc đánh giá được hiệu quả kinh tế giảm phát thải khí nhà kính của các giải pháp quản lý chất thải rất quan trọng. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có một số nghiên cứu về các giải pháp giảm nhẹ KNK trong lĩnh vực chất thải tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào
đánh giá hiệu quả kinh tế từng giải pháp. Đặt trong bối cảnh hơn 70% lượng phát thải là từ CTR, trong đó chủ yếu là nguồn CTR đô thị, đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ khí nhà kính cho lĩnh vực quản lý chất thải” do các nhà khoa học của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tập trung nghiên cứu đánh giá hiệu quả kinh tế của các biện pháp giảm nhẹ cho lĩnh vực CTR đô thị. Đây là sẽ là tiền đề quan trọng không chỉ phục vụ việc lựa chọn các giải pháp đảm bảo phát triển bền vững mà còn thúc đẩy việc thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

Xây dựng mô hình đánh giá hiệu quả kinh tế cho các giải pháp giảm nhẹ KNK

Đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế trong giảm nhẹ khí nhà kính cho lĩnh vực quản lý chất thải” đã xây dựng được mô hình đánh giá được hiệu quả kinh tế cho các giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị được đề cập trong NDC và nghị định 1775/NĐ-CP về “Phê duyệt đề án quản lý phát thải khí nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới”.

Hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm nhẹ khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị được xây dựng dựa trên so sánh với giải pháp cơ sở là giải pháp chôn lấp, giải pháp chủ đạo hiện nay ở Việt Nam. Hiệu quả kinh tế của các giải pháp đơn lẻ có giá trị từ -0,12 đến 1,29 triệu VNĐ/1 tấn CO2tđ giảm được. Các giá trị này làm nền tảng để xác định giá trị kinh tế của các nhóm giải pháp. Trong khuôn khổ đề tài, 6 nhóm giải pháp (bao gồm: MO1. Chôn lấp có thu hồi khí cho phát điện; MO2. Chôn lấp bán hiếu khí; MO3. Sản xuất phân compost và Đốt CTR cho phát điện; MO4. Sản xuất phân compost và Sản xuất RDF; MO5. Xử lý kỵ khí có thu hồi khí sinh học cho cấp nhiệt và Đốt CTR cho phát điện; MO6. Xử lý kỵ khí có thu hồi khí sinh học cho cấp nhiệt và Sản xuất RDF) được xác định ưu tiên đánh giá cho 3 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và toàn bộ Việt Nam.

Kết quả đề tài có thể làm cơ sở để xác định các hiệu quả kinh tế cho các giải pháp, các nhóm giải pháp giảm nhẹ phát thải khí kính trong lĩnh vực chất thải rắn đô thị cho các thành phố ở Việt Nam. Việc xác định được hiệu quả và
mức độ ưu tiên của các giải pháp sẽ giúp cho các nhà đầu tư về Biến đổi khí hậu và chính phủ Việt Nam xác định đươc lựa chọn ưu tiên để đầu tư thực hiện. Kết quả về hiệu quả kinh tế giảm phát thải KNK ở Việt Nam có thể làm cơ sở để thu hút các vốn đầu tư từ nước ngoài, các quỹ đầu tư BĐKH. Thêm vào đó, dựa vào kết quả này, các địa phương có thể xác định các ưu tiên đầu tư cho các giải pháp này trong tương lại theo các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *