Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm thiết bị quan trắc bụi di động nhằm xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi cho các đô thị ở Việt Nam – Áp dụng thí điểm tại Thành phố Hà Nội”, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thiết kế, lắp ráp thành công thiết bị quan trắc bụi kết hợp quan trắc một số yếu tố khí tượng và định vị GPS. Thiết bị này có thể quan trắc di động liên tục theo thời gian thực và tực động ghi số liệu sau mỗi bước thời gian là 5 giây. Số liệu quan trắc được phục vụ xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi trên các tuyến phố chính của Thành phố Hà Nội.
Nghiệm thu đề tài cấp Bộ
Chất lượng không khí hiện được đánh giá từ các trạm, điểm quan trắc bụi cố định
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất tại các đô thị lớn, đặc biệt là ô nhiễm bụi trên các tuyến giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn đã kéo theo nhiều tác động liên quan đến môi trường. Song song với sự phát triển của cơ sở hạ tầng thành phố là sự mở rộng của các tuyến đường giao thông đô thị.
Điều này đã khéo theo sự gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường không khí trên những tuyến đường đô thị có mật độ xe cộ lớn. Mức độ ô nhiễm ở bên đường và trên đường giao thông cao hơn nhiều so với các vị trí lân cận khác cách các tuyến đường giao thông một vài mét. Việc này dẫn đến sự tiếp xúc cao với ô nhiễm không khí độc hại của cư dân đô thị. Thói quen sinh sống và hoạt động nhà ở, cửa hàng, và kinh doanh khác dọc theo các con đường lớn sẽ dẫn đến việc tiếp xúc nhiều hơn. Tình hình trở nên xấu hơn khi tắc nghẽn giao thông xảy ra và ô nhiễm không khí trong đường phố sẽ tăng gần tương ứng với mật độ giao thông. Hơn nữa, do ùn tắc giao thông, nhiều người tham gia giao thông mất nhiều thời gian để di chuyển và vì vậy sẽ tiếp xúc với nhiều chất gây ô nhiễm hơn. Một trong những chất ô nhiễm trong khu vực độ thị gây hại đến sức khỏe con người là các hạt bụi nhỏ như PM10, PM2.5.
Trong các nghiên cứu và báo cáo từ trước đây, việc đánh giá ô nhiễm bụi cho Thành Phố Hà Nội chưa được cụ thể chi tiết cho từng tuyến giao thông, mà chủ yếu đánh giá chất lượng không khí từ các trạm hoặc các điểm quan trắc bụi cố định trên các tuyến giao thông.
Hoàn thành thiết kế 02 thiết bị quan trắc bụi di động
Đề tài đã hoàn thành thiết kế 02 (hai) thiết bị quan trắc bụi di động có thể thu thập thông số về nồng độ bụi trong không khí và các thông số môi trường có liên quan như nhiệt độ, độ ẩm, tọa độ (ví trí) và thời gian quan trắc. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, chạy bằng pin và có tích hợp bộ nhớ để lưu dữ liệu đo đạc và truyền về trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, thiết bị còn được tích hợp màn hình LCD hiển thị các thông số đo được.
Cả hai thiết bị đã được kiểm chuẩn và thử nghiệm thành công khi quan trắc bụi di động tại các tuyến giao thông chính của thành phố Hà Nội. Quá trình quan trắc cho thấy thiết bị hoạt động ổn định với độ chính xác đáng tin cậy. Nhóm nghiên cứu đã thự hiện quan trắc vào 04 mùa (mùa đông năm 2016; mùa xuân, mùa hè, và mùa thu năm 2017) trên một số tuyến giao thông chính của thành phố Hà Nội.
Số liệu quan trắc đã được dùng để xây dựng bản đồ ô nhiễm bụi theo mùa và theo giờ cao điểm và không cao điểm tại các tuyến giao thông chính của thành phố Hà Nội. Kết quả phân tích số liệu cho thấy, khu vực đường vành đai, xa trung tâm Hà Nội như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Bưởi, Âu Cơ, … có nồng độ bụi khá cao. Trong khi đó, các tuyến phố thuộc các Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Đống Đa có mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao hơn nhưng nồng độ bụi quan trắc được có giá trị thấp hơn.
Nguyên nhân được cho là các khu vực đường vành đai, các khu vực xa trung tâm tập trung nhiều công trình xây dựng phát thải lượng bụi lớn ra các khu vực xunh quanh. Bên cạnh đó, lượng bụi cuốn lên từ mặt đường khi các phương tiện lưu thông trên các khu vực này góp phần ô nhiễm bụi trên các tuyến giao thông.
Qua bốn đợt khảo sát bằng thiết bị quan trắc bụi di động, giá trị nồng độ quan trắc vào thời điểm Mùa Xuân, Mùa Hè và Mùa Thu có giá trị thấp hơn vào thời điểm Mùa Đông. Nguyên nhân do độ ẩm không khí vào mùa đông thấp hơn làm tăng mức độ phát tán bụi trên các tuyến đường.