Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế cấp huyện thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đây là nội dung đề tài nghiên cứu được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện trong năm 2020. Bộ tiêu chí là công cụ hỗ trợ cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả kinh tế và thích ứng của các mô hình đang triển khai; đồng thời, giúp xác định xem một mô hình sinh kế có phải là thích ứng với BĐKH hay không, hay chỉ là các mô hình can thiệp sinh kế thông thường. Đặc biệt, các tiêu chí này khi được xây dựng sẽ là cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân trong việc ra quyết định về đầu tư triển khai, nhân rộng mô hình phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học và công  nghệ cấp Bộ

Xây dựng bộ tiêu chí gồm 6 nhóm tiêu chí chính và 25 chỉ số

Hiện nay trên thế giới và Việt Nam có rất nhiều can thiệp về mô hình kinh tế/sinh kế nhằm thích ứng với BĐKH. Các mô hình kinh tế/sinh kế này thường được gọi là các mô hình hay điển hình thich ứng ứng. Theo đó, mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH là những mô hình can thiệp, đã được điều chỉnh để né tránh hoặc thích ứng với quy luật diễn biến của một (hoặc một số) trong những yếu tố khí hậu tác động mạnh mẽ lên nó trong thực tại hay tương lai, và kết quả là sinh kế đó có thể đối phó, giảm nhẹ và phục hồi với các tác động của BĐKH, làm giảm tác hại hay tận dụng được những lợi ích mà các yếu tố khí hậu đó mang lại cho mô hình, để mô hình đạt hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Dựa vào khái niệm này thì bất cứ một mô hình sinh kế nào trước khi đưa vào triển khai phải biết được quy luật diễn biến của một hay nhiều yếu tố khí hậu (nhiệt độ, mưa, nắng và các yếu tố khí hậu khác, v.v) hoặc thiên tai, tùy nơi mà có tác động mạnh mẽ đến hoạt động sinh kế. Các yếu tố trên phải được tính đến khi xây dựng mô hình hay đưa mô hình sinh kế vào sản xuất cho một nơi hay một vùng nào đó. Đồng thời, với quan điểm trên, cho thấy những mô hình sinh kế nào khi triển khai thí điểm hay nhân rộng không tính đến tác động của các yếu tố khí hậu thì không được xem là mô hình thích ứng BĐKH.

Đề tài đã đề xuất bộ tiêu chí gồm 6 nhóm tiêu chí chính (kinh tế, thể chế – chính sách, văn hóa – xã hội, thích ứng với BĐKH, môi trường, quản lý nhân rộng) và 25 chỉ số tương ứng với tổng điểm tối đa là 100 điểm; trong đó tiêu chí 1 về hiệu quả kinh tế chiếm 55% thể hiện là mục tiêu quan trọng nhất, và tiêu chí 4 thể hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu chiếm 16%.

Khung xây dựng bộ tiêu chí với các chỉ số thành phần đặt trọng tâm nghiên cứu các nội dung chính là:

Một là, hiệu quả về kinh tế gồm: (i) Xác định phạm vi, quy mô của thị trường và mức độ đáp ứng nhu cầu của thị trường, có lợi nhuận về mặt kinh tế; (ii) Mô hình khi triển khai đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, cơ sở hạ tầng kỹ thuật; năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra và khả năng tiêu thụ như kỳ vọng; (iii) Hộ gia đình triển khai mô hình có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và đáp ứng được chi phí chuyển đổi sang mô hình thích ứng với BĐKH mới; (iv) Có thể phối hợp giữa thời gian thu hồi vốn nhanh và dài hạn; thu nhập ổn định theo chu kỳ thời gian; (v) Có tính truyền thống, văn hóa ở địa phương, tận dụng được nguồn kiến thức bản địa và kết hợp với kiến thức khoa học một cách hợp lý.

Hai là, phù hợp với thể chế, chính sách: (i) Mô hình triển khai có sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, khối tư nhân; có các tổ nhóm hỗ trợ về sinh kế; (ii) Mô hình khi triển khai không có quá nhiều rào cản về thuế, chứng nhận sản phẩm, quy định môi trường, giấy phép kỹ thuật, công nghệ; (iii) Mô hình khi triển khai có khả năng lồng ghép vào trong các chính sách hỗ trợ sinh kế thích ứng BĐKH, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai.

Ba là, hiệu quả về văn hóa – xã hội: (i) Là mô hình tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho hộ gia đình và xã hội; (ii) Phù hợp với năng lực, nhận thức, được sự chấp nhận và ủng hộ của cộng đồng; (iii) Có sự tham gia của người dân bao gồm phụ nữ, nhóm dễ bị tổn thương (đơn thân, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, v.v) vào các hoạt động sinh kế; đảm bảo bình đẳng giới.

Bốn là, thích ứng với biến đổi khí hậu: (i) Thích ứng với cả các biểu hiện bất lợi do BĐKH cũng như tận dụng được các cơ hội do BĐKH mang lại; (ii) Thích ứng càng nhiều càng tốt với các biểu hiện khác nhau của BĐKH như nhiệt độ cao, lượng mưa nhiều hơn vào mùa mưa và ít hơn vào mùa khô, xâm nhập mặn, xuất hiện nhiều cơn bão lớn vào mùa mưa, ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng bất thường do bão, lũ; (iii) Thích ứng cho tình trạng khí hậu đang thay đổi cũng như sự biến đổi trong tương lai; (iv) Là những mô hình cho thấy rõ mức độ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm môi trường khác.

Năm là, bảo vệ môi trường: (i) Là mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng (điện, nước, v.v), không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên; (ii) Không gây ô nhiễm môi trường hoặc có áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm; (iii) Sử dụng năng lượng tái tạo thay thế như năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, biogas, v.v; (iv) Hỗ trợ bảo tồn tài nguyên nhiên nhiên (đặc biệt là hệ sinh thái).

Sáu là, tiêu chí về quản lý và nhân rộng: (i) Có tính đại diện, được sự chấp thuận và hỗ trợ của cộng đồng; đặc biệt là đối với các hoạt động và hướng dẫn mang tính kỹ thuật; (ii) Giải pháp kỹ thuật được áp dụng đơn giản, không đòi hỏi đầu tư quá cao, không phụ thuộc vào bên ngoài và khung thời gian phù hợp; cũng như cho thấy những ưu điểm so với những cách làm trước đó tại địa phương (nếu có); (iii) Có sự tham gia tích cực của cộng đồng vào toàn bộ chu trình từ giai đoạn thiết kế đến triển khai thực hiện, đánh giá và giám sát; có những tác động tích cực đến cộng đồng góp phần giải quyết được những khó khăn mà cộng đồng đang gặp phải; (iv) Có lường trước được các rủi ro, thách thức và có phương án quản lý rủi ro; (v) Có thể đảm bảo được thị trường khi mở rộng quy mô triển khai; cũng như có khả năng nhân rộng sang địa phương khác có cùng các điều kiện tương tự.

Áp dụng thí điểm đánh giá hiệu quả 4 mô hình kinh tế tại đồng bằng sông Cửu Long

Trên cơ sở xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình hiệu quả kinh tế thích ứng với BĐKH trên phạm vi cấp huyện, đề tài cũng đã áp dụng thí điểm đánh giá hiệu quả 4 mô hình kinh tế triển khai trên bốn xã tại phạm vi ba tỉnh lựa chọn nghiên cứu bao gồm: (1) Mô hình 2 lúa – cá tự nhiên tại xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. (2) Mô hình rau diếp cá – cải xoong xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. (3) Mô hình 2 lúa – trồng cỏ và nuôi bò/dê tại xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (4) Mô hình lúa – tôm càng xanh vào mùa lũ và lúa – tôm sú vào mùa hạn mặn tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Kết quả đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế cấp huyện tại 3 tỉnh thí điểm cho thấy, có hiệu quả cao nhất là mô hình 2 vụ lúa – cá tự nhiên, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp với số điểm là 0,252, tiếp đến là mô hình lúa – tôm càng xanh vào mùa lũ và tôm sú vào mùa hạn mặn, huyện Thạnh Phú, Bến Tre (0,246). Các mô hình còn lại có hiệu quả thấp hơn với số điểm lần lượt là 0,157 và 0,105. Trong đó, mô hình 2 vụ lúa – cá tự nhiên của tỉnh Đồng Tháp và mô hình lúa – tôm càng xanh vào mùa lũ và tôm sú vào mùa hạn mặn thuộc tỉnh Bến Tre có điểm số thích ứng với BĐKH khá cao, tương ứng 0,162 và 0,165.

Qua đây, Đề tài mở ra hướng nghiên cứu rộng hơn cho các huyện/tỉnh khác trong vùng ĐBSCL để có cái nhìn toàn diện hơn về các mô hình kinh tế thích ứng với BĐKH đang được triển khai tại vùng và hiệu quả của các mô hình đối với sinh kế của các hộ gia đình tại khu vực này. Cụ thể là nghiên cứu mô hình đặc trưng theo từng loại hình sản xuất cho 3 tiểu vùng ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển và hải đảo. Ngoài ra, cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm xây dựng bộ tiêu chí đặc trưng cho từng tiểu vùng của ĐBSCL hoặc với các ngành đặc thù tập trung phát triển theo định hướng Chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL của Chính phủ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *