Nghiên cứu mô hình cộng đồng quản lý tài nguyên nước bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đề tài được Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện đã nghiên cứu, đánh giá được hiện trạng và xu hướng phát triển cùng các vấn đề liên quan đến các hình thức, mô hình cộng đồng tham gia vào quản lý và bảo vệ tài nguyên nước ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, đề xuất được cơ chế, chính sách và các hình thức, mô hình cộng đồng quản lý tài nguyên nước bền vững ở hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang.

Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở

Vấn đề quản lý tài nguyên nước là rất quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) nhưng lại đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức rất lớn trong sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước (TNN), đặc biệt đối với nguồn TNN mặt. Cà Mau là tỉnh khan hiếm nguồn nước ngọt, người dân bắt buộc sử dụng khai thác nước ngầm là chính trong các tháng mùa khô. Ở Hậu Giang, thời gian qua, do khai thác tùy tiện của con người đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt tự nhiên dẫn đến nhiều nơi nguồn nước mặt đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng.

Đối với ĐBSCL, đặc biệt là hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang vấn đề sử dụng nước đối với các lĩnh vực sẽ có những biến động trong xu hướng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, cần phải có sự nhìn nhận và đánh giá việc QLTNN trong các lĩnh vực trên nhằm trước hết là bảo vệ nguồn TNN tại vùng. Bên cạnh đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh nguồn nước cho từng lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững nguồn nước, đặc biệt là trong xu thế BĐKH ngày một gia tăng dẫn đến những nguy cơ lớn đe dọa đến nguồn nước trong vùng.

Việc đánh giá tính bền vững về TNN nói chung từ trước đến này trên thế giới đã có nhiều, trong đó phải kể đến một số tác giả có tên tuổi như: Spangenberg & Bonniot (1998), Garcia Vargas (2007), C Shah (2011), Kamelesh PanThi (2012), các tác giả đã xây dựng nên các bộ chỉ số để đánh giá tính bền vững trong lĩnh vực cấp nước, tuy nhiên để có thể xây dựng bộ chỉ số để đánh giá tính bền vững đối với các mô hình cộng đồng QLTNN cho 05 lĩnh vực như: cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch – dịch vụ -thương mại,… thì hiện nay cũng chưa có một nghiên cứu nào để cập đến.

Đối với ĐBSCL, đặc biệt là hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang việc nâng cao hình thức quản lý của các mô hình cộng QLTNN cho các lĩnh vực sinh hoạt và sản xuất cần được đẩy mạnh, đây là các lĩnh vực quan trọng đối với việc sử dụng nước và cũng là các lĩnh vực chính trong cơ cấu kinh tế của vùng và hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng nước đối với các lĩnh vực sẽ có những biến động trong xu hướng của BĐKH. Do vậy, cần phải có sự nhìn nhận và đánh giá việc QLTNN trong các lĩnh vực trên nhằm trước hết là bảo vệ nguồn TNN tại vùng nghiên cứu. Bên cạnh đó, sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo vệ an ninh nguồn nước cho từng lĩnh vực, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững nguồn nước, đặc biệt là trong xu thế biến đổi khí hậu ngày một gia tăng dẫn đến những nguy cơ lớn đe dọa đến nguồn nước trong vùng.

Đa dạng các mô hình cộng đồng QLTNN tại ĐBSCL

Tại vùng ĐBSCL hiện nay các mô hình cộng đồng QLTNN rất đa dạng, tập trung trong các lĩnh vực: cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, du lịch – thương mại – dịch vụ.

Trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt, mô hình cộng đồng QLTNN chủ yếu tập trung phổ biến ở nông thôn. Việc quản lý các trạm cấp nước tập trung được giao cho cộng đồng quan lý, các HTX đã bầu ra ban quản lý để tham gia vận hành mô hình. Ngoài ra mô hình này còn được giao trực tiếp cho người dân tại các xã, thôn và một nhóm hộ gia đình quản lý.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi tương đối đa dạng và chưa phù hợp. Một số ít tổ chức quản lý thủy nông cơ sở đã được thành lập nhưng chưa thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Ở cấp cơ sở, vùng ĐBSCL có tổng cộng 3.769 tổ chức hợp tác dùng nước (2012), trong đó chủ yếu là loại hình “tổ chức hợp tác” chiếm đến 87,4%, loại hình hợp tác xã có dịch vụ thủy nông chiếm 12%. Các “tổ chức hợp tác” chủ yếu do người dân tự lập ra, hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn, không được đảm bảo về tài chính, hoạt động hiệu quả thấp. Đến nay chỉ có một số ít thành lập được các tổ chức thủy nông cơ sở nhưng chưa theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà nước, nhiều địa phương giao quản lý công trình xuống cho các xã, với lực lượng cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc, không có chuyên môn về quản lý nước, quản lý công trình nên không thể phát huy được hiệu quả của hệ thống.

Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực lâm nghiệp, mô hình tiêu biểu là mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn, trong đó nổi lên mô hình. “Đồng quản lý” nguồn tài nguyên thiên nhiên là một thỏa thuận đối tác, trong đó nhóm người sử dụng tài nguyên có quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên đất chủ sở hữu của Nhà nước (khu vực đã xác định), đồng thời có trách nhiệm quản lý bền vững nguồn tài nguyên đó. Đây là một biện pháp hữu hiệu để duy trì và tăng cường chức năng bảo vệ của các dải rừng ngập mặn, cùng lúc với cung cấp điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng người dân địa phương. Sự tham gia của người dân quản lý theo hình thức thành lập ban quản lý rừng gồm các thành phần cơ quan chức năng, người dân và chuyên gia. Người dân không chỉ đóng góp kiến thức kinh nghiệm quản lý truyền thống trong các vấn đề quy hoạch rừng, mà còn chịu trách nhiệm quản lý khu vực, ngăn chặn những hành vi chặt phá trái phép hay cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về những biến động như xói mòn hoặc sụt lở. Hình thức quản lý của cộng đồng trong lĩnh vực này còn thể hiện ở mô hình rừng tôm.

Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực thủy sản phổ biến nhất là mô hình quản lý nhằm nâng cao năng suất sử dụng nước được thể hiện trong mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi trồng thủy hải sản.

Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực du lịch – thương mại – dịch vụ, sự tham gia của người dân chủ yếu trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đây được xem là cách thức QLTNN dựa vào cộng đồng hiệu quả. Với du lịch sinh thái, người dân nhìn nhận TNN là một loại hàng hóa và mang lại lợi nhuận cho sinh kế của họ. Các mô hình áp dụng thành công ở ĐBSCL bao gồm chợ nổi Cái Bè (Cai Lậy – tỉnh Tiền Giang) hay chợ nổi Ngã Năm (Thanh Trị- Sóc Trăng). Trong các mô hình này, lực lượng thanh niên tự nguyện phối hợp cùng người dân và cơ quan quản lý chung tay thu gom rác thải để đảm bảo tính mỹ quan của khu chợ/khu du lịch và bảo vệ chất lượng nước. Không chỉ ở các chợ nổi, các nguồn TNN (như sông, ao, hồ) trong các khu du lịch miệt vườn ở ĐBSCL như sông Hàm Luông tại Bến Tre, cũng được người dân tự nguyện và độc lập quản lý một cách rất chặt chẽ.

Mô hình cộng đồng QLTNN tại hai tỉnh hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang

Đối với hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang, mô hình cộng đồng QLTNN tiêu biểu tập trung vào 04 lĩnh vực chính đó là: lĩnh vực cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với mức độ đánh giá bền vững là khác nhau, cụ thể như sau:

Đối với mô hình QLTNN trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt tại 2 tỉnh Cà Mau và Hậu Giang, Nhà nước đầu tư và xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 11% dân cư sử dụng nước do hệ thống cấp nước tập trung phân phối, khoảng 65% dân cư sử dụng giếng nước khoan riêng lẻ và tỷ lệ dân còn lại sử dụng nguồn nước mưa, nước ao. Các công trình cấp nước tập trung ở đây do trung tâm NS&VSMT nông thôn xây dựng và bàn giao cho các địa phương, xã quản lý và vận hành.Đây là mô hình QLTTN dựa vào cộng đồng đặc trưng trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt tại địa phương. Tại tỉnh Hậu Giang hiện nay mô hình quản lý trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt hoàn toàn do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Đề tài đã đánh giá tính bền vững của mô hình QLTNN dựa vào cộng đồng đối với mô hình cộng đồng QLTNN ở tỉnh Cà Mau với các chỉ số bền vững là 0.67 (mô hình tương đối bền vững).

– Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực nông nghiệp: mô hình này chủ yếu tồn tại ở tỉnh Hậu Giang còn tỉnh Cà Mau hiện nhóm nghiên cứu chưa thấy có tồn tại mô hình quản lý trên. Đây là mô hình quản lý tưới có sự tham gia (PIM, hay mô hình tổ chức hợp tác dùng nước). Đây được coi là một trong những mô hình PIM điển hình, mới được đầu tư và đi vào sử dụng nên đã cung cấp nhiều thông tin để thực hiện việc đánh giá tính bền vững của mô hình này so với các mô hình ở những khu vực khác vốn đã được người dân quản lý và vận hành một cách ổn định. Chi cục thủy lợi của tỉnh giao cho tổ hợp tác dùng nước quản lý, vận hành mô hình. Ban quản lý sẽ lên kế hoạch bom và thu tiền điện của người dân (theo các mức thu khác nhau phụ thuộc vào cao trình ruộng của người dân). Nhà nước không thu phí của Ban quản lý và các hộ dân, nếu cần nâng cấp, sửa chữa. Tất cả người dân đều tham gia mô hình theo các hoạt động: lựa chọn và bầu ra ban quản lý, họp cộng đồng lấy ý kiến xây dựng mô hình, đóng góp phí sử dụng nước, tham gia các cuộc họp có liên quan theo định kỳ. Phần lớn cán bộ, nhà quản lý cho rằng các mô hình tại Hậu Giang mang lại lợi ích về kinh tế rất lớn, cụ thể: chi phí đầu tư giảm, năng suất tăng ,tăng lợi nhuận và mang lại lợi ích về xã hội. Mô hình này đã được đánh giá với kết quả trung bình 0,60, xếp hạng ở mức “tưong đối bền vững”.

Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực lâm nghiệp đó chính là “Mô hình nông dân trực tiếp quản lý”, cộng đồng tham gia vào việc trồng và bảo vệ, phát triển hệ thống rừng ngập mặn. Đây là mô hình vừa có giá trị về kinh tế vừa có vai trò trong việc bảo vệ nguồn TNN. Mô hình đã được đánh giá với kết quả trung bình 0,61, xếp hạng ở mức “tưong đối bền vững”.

Đối với mô hình cộng đồng QLTNN trong lĩnh vực thủy sản là mô hình “Mô hình nông dân trực tiếp quản lý”. Mô hình được đánh giá với kết quả trung bình 0,62, xếp hạng ở mức “tưong đối bền vững”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải lượng hóa tính bền vững của các mô hình QLTNN nhằm đề xuất những kiến nghị trong việc điều chỉnh và nhân rộng các dạng mô hình này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình QLTNN trong các lĩnh vực kể trên cần được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết nhất tại địa phưong trong quá trình đánh giá mô hình cần phải được quan tâm đó chính là nguồn vốn cho việc xây dựng, vận hành mô hình. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý được tham gia vào công tác đào tạo và tập huấn kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong việc quản lý mô hình rất cần sự quan tâm sâu sát hon nữa của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phưong trong quá trình phối hợp thực hiện nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động của từng loại mô hình cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *