Phân cấp cấp độ rủi ro phù hợp với các loại hình thiên tai ở Việt Nam

Từ nghiên cứu sở sở khoa học và thực tiễn thông qua tổng quan các nghiên cứu trong nước, thế giới và hiện trạng thiên tai tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã nghiên cứu, lựa chọn phương pháp xác định, đánh giá và phân cấp cấp độ rủi ro phù hợp với các loại hình thiên tai ở Việt Nam. Từ đó, xây dựng được quy trình phân cấp RRTT đối với các loại hình thiên tai ở Việt Nam.

Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm

Ở Việt Nam, trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của đất nước. Trong đó đánh giá rủi ro thiên tai là thành phần cốt lõi, và là yếu tố trung tâm của việc xây dựng kế hoạch và thực hiện trong quản lý và giảm nhẹ thiên tai. Đánh giá rủi ro thiên tai có vai trò quyết định trong việc xác định các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại và phục hồi đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp. Trong đó, xác định các cấp độ rủi ro thiên tai là cơ sở cho các đánh giá rủi ro thiên tai, góp phần định hướng cho các nhiệm vụ tiếp theo.

Năm 2013, Luật phòng, chống thiên tai ra đời đã quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai. Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/8/2014, đã quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai cho các loại hình thiên tai: áp thấp nhiệt đới, bão; lốc, sét, mưa đá; mưa lớn; nắng nóng; hạn hán; rét hại, sương muối; sương mù; lũ, ngập lụt; lũ quét; sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; xâm nhập mặn; nước dâng; gió mạnh trên biển; động đất; sóng thần, trong đó quy định rõ: cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội.

Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ra đời là cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai, góp phần giúp các địa phương thuận tiện trong công tác quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi đạt được trong quản lý rủi ro thiên tai, Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg sau một quá trình thực hiện và áp dụng trong thực tế đã bộc lộ một số điểm chưa thật phù hợp khi áp dụng. Do đó, việc điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trong quyết định 44/2014/QĐ- TTg là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thiên tai.

Việc sửa đổi Quyết định 44/2014/QĐ-TTg cần phải dựa trên việc rà soát, đánh giá hiện trạng áp dụng Quyết định 44/2014/QĐ-TTg tại từng địa phương và cơ sở khoa học mới. Có thể thấy rằng, phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg chủ yếu dựa vào bản chất của các hiện tượng thiên tai mà chưa tính đến mức độ phơi bày, khả năng gây tổn thương của thiên tai tới sức khỏe, đời sống, các hoạt động kinh tế – xã hội, môi trường, hệ sinh thái.

Thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế – xã hội

Hiện nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu đánh giá rủi ro do các loại hình thiên tai với những phương pháp đánh giá khác nhau và quan điểm về rủi ro chưa hoàn toàn thống nhất. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây đã có một số nghiên cứu đánh giá rủi ro thiên tai, nhưng chủ yếu là đánh giá tác động của thiên tai tới kinh tế, xã hội, chưa có nhiều nghiên cứu về phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai. Mặt khác, các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện cho một số loại hình thiên tai đơn lẻ hoặc được thực hiện ở một số địa phương nhất định, chưa có nghiên cứu đồng bộ về rủi ro cho các loại hình thiên tai và cho toàn Việt Nam.

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phân cấp cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam” được phê duyệt thực hiện nhằm đưa ra cơ sở khoa học và thực tiễn xác định, phân cấp cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam, từ đó xây dựng bộ chỉ thị phù hợp phục vụ điều chỉnh Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg.

Xây dựng bộ tiêu chí phục vụ phân vùng và dự báo, cảnh báo cấp độ RRTT

Với phương pháp luận xác định, đánh giá và phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai từ các thành phần Hiểm họa (H), Phơi bày (E) và tính Dễ bị tổn thương (V), Đề tài đã xây dựng được các bộ tiêu chí/chỉ thị phục vụ phân vùng và dự báo/cảnh báo cấp độ RRTT cho từng loại hình thiên tai cụ thể, từ đó làm cơ sở khoa học cho việc tính toán, phân cấp và cảnh báo cấp độ rủi ro cho các loại hình thiên tai ở Việt Nam. Căn cứ vào những tiêu chí được đề xuất để nhằm đánh giá RRTT, Đề tài định hướng đề xuất một số thay đổi cho Quyết định 44/2014/QĐ-TTg về Cấp độ RRTT. Những đề xuất này kết hợp giữa nội dung nghiên cứu của Đề tài và dựa trên các phân tích các bất cập trong quá trình áp dụng Quyết định 44/2014/QĐ-TTg tại các địa phương trên toàn quốc. Các nội dung đề xuất chỉnh sửa đã bổ sung yếu tố “phơi bày” và “dễ bị tổn thương” của từng vùng đặc thù đối với từng loại hình thiên tai, từ đó định hướng điều chỉnh các quy định về cấp độ cảnh báo rủi ro của từng loại thiên tai tại Quyết định 44/2014/QĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiển, Chủ nhiệm đề tài, Đề tài đã ứng dụng quy trình phân cấp RRTT đã xây dựng để thử nghiệm phân vùng cấp độ rủi ro thiên tai do lũ và ngập lụt cho khu vực Trung Trung Bộ. Kết quả đánh giá rủi ro do lũ và ngập lụt khá phù hợp với tình hình thực tế ở khu vực Trung Trung Bộ đối với cơn lũ lịch sử năm 1999.

Bản đồ mức độ rủi ro với thiên tai và ngập lụt 6 tỉnh miền Trung

Ngoài ra, Đề tài đã ứng dụng quy trình phân cấp RRTT để thử nghiệm cảnh báo cấp độ rủi ro do bão Doksuri (năm 2017) chi tiết đến đơn vị hành chính cấp huyện. Kết quả tính toán cho thấy mặc dù ba tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đều có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên mức độ nguy cơ rủi ro do bão được cảnh báo ở các huyện không giống nhau phụ thuộc lớn vào yếu tố hiểm họa và một phần vào mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương. Kết quả tính toán này tương đối khác biệt so vớibphân cấp cấp độ rủi ro do bão theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg, cấp độ rủi ro do bão được phân như nhau đối với tất các đơn vị hành chính thuộc tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão, dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác ứng phó với rủi ro bão gây ra. Việc tính toán và phân cấp cấp độ rủi ro do bão chi tiết đến đơn vị cấp huyện đã khắc phục được tính bất cập trên.
Để sử dụng phương pháp luận và quy trình phân cấp RRTT trong thực tiễn hiệu quả, các dữ liệu phục vụ tính toán các thành phần Hiểm họa, Phơi bày và tính Dễ bị tổn thương cần được thu thập chi tiết đến cấp huyện, cấp xã.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *